Giúp họ Tào dựng nước Đổng Chiêu

Năm 207, Tào Tháo đi đánh anh em họ Viên ở Hà Bắc, lo lắng việc quân lương khó vận chuyển. Đổng Chiêu kiến nghị Tào Tháo nên đào kênh thông ra biển để dùng đường thủy chuyển lương. Tào Tháo nghe theo kế đó, nhờ vậy quân lương vận chuyển đầy đủ, tạo điều kiện cho cuộc tấn công họ Viên thắng lợi[6].

Thế lực họ Tào ngày càng lớn trong triều đình nhà Hán. Trong cuộc đấu tranh giữa họ Tào và họ Lưu, Đổng Chiêu là một trong những người đi đầu ủng hộ họ Tào. Năm 212, Đổng Chiêu theo lệnh Tào Tháo đi bàn kín việc này với mưu sĩ có quyền cao nhất dưới trướng Tào Tháo là Tuân Úc. Tuy nhiên, Tuân Úc lại không đồng tình[7]. Tào Tháo đành tạm gác việc xưng hiệu, nhưng sau đó Tuân Úc qua đời.

Sang năm 213, Đổng Chiêu đứng ra kiến nghị Hán Hiến Đế phong Tào Tháo làm Ngụy công. Hán Hiến Đế buộc phải chấp thuận. Từ đó nước Ngụy bắt đầu thành lập trong lãnh thổ nhà Hán.

Năm 219, tướng của Lưu Bị đang cát cứ Tây Xuyên là Quan Vũ mang quân đánh Phàn Thành và Tương Dương, tình thế rất nguy cấp. Đạo viện binh của Vu Cấm do Tào Tháo phái đi bị Quan Vũ tiêu diệt. Cùng lúc, Tôn Quyền đến xin hợp tác với Tào Tháo để đánh sau lưng Quan Vũ. Nhưng Tôn Quyền đề nghị Tào Tháo giữ kín ý định đánh úp Kinh châu (căn cứ của Quan Vũ) của Đông Ngô. Tào Tháo mang việc ra bàn bạc, nhiều người cho rằng nên giữ kín giúp Tôn Quyền. Đổng Chiêu không đồng tình. Ông cho rằng ngoài mặt nên hứa với Tôn Quyền giữ kín nhưng nên ngầm làm lộ thông tin vì những lý do [8]:

  1. Khi biết Tôn Quyền đánh lén, theo lẽ thường thì Quan Vũ sẽ mang quân về ngay, như vậy Phàn Thành được giải vây và Tào Ngụy được lợi ngồi nhìn Tôn Quyền và Quan Vũ giao tranh
  2. Nhưng Quan Vũ là người kiêu căng, hoành hành bá đạo, sẽ không chịu rút ngay khỏi Phàn Thành đang bị ngập nước. Nếu trong thành không biết tin bên ngoài thì có thể thành sẽ vỡ về tay Quan Vũ.

Vì vậy, Đổng Chiêu chủ trương làm lộ thông tin, báo cho Quan Vũ biết để Quan Vũ bị phân tán, mặt khác báo cho tướng sĩ trong Phàn Thành và Tương Dương biết để cố giữ thành vì Quan Vũ trước sau cũng phải về cứu hậu phương.

Tào Tháo tán đồng phân tích của Đổng Chiêu, bèn lệnh cho Từ Hoảng (tướng được cử đi cứu viện Phàn Thành) sao chép thư của Tôn Quyền ra nhiều bản, không chỉ bắn sang trại Quan Vũ mà bắn cả vào trong Phàn Thành cho quân Tào biết. Quả nhiên Quan Vũ không tin vào thư đó, cho rằng Tào Tháo lắm mưu mô, phao tin sai để lung lạc mình[9], nên tiếp tục công hãm thành, còn quân của Tào Nhân trong thành được tin bỗng nhuệ khí tăng lên gấp bội, liều chết phòng thủ. Không lâu sau Từ Hoảng được thêm viện binh, ra quân đánh lui được Quan Vũ đang bối rối vì tin thất thủ Kinh châu thực sự đã tới.

Năm 220, Tào Tháo mất, Tào Phi thay làm Ngụy vương rồi phế Hán Hiến Đế tự lập làm vua (Ngụy Văn Đế). Đổng Chiêu lần lượt giữ các chức vụ trong triều đình Tào Ngụy: Đại hồng lô, Thị trung, Thái thường…

Năm 230 thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, Đổng Chiêu được phong làm Tư đồ.

Trong thời gian làm Tư đồ, Đổng Chiêu chủ trương sửa đổi những thói phù phiếm và đánh vào thế lực các cường hào[6].

Năm 236, Đổng Chiêu lâm bệnh qua đời, thọ 81 tuổi. Ông sinh cùng năm và mất cùng năm với đại thần Trương Chiêu nước Đông Ngô.